Thứ ba, 08 Tháng 2 2011 20:49

Tết của người Mông ở Tây Nguyên

Tết của người Mông ở Tây Nguyên

Trên mảnh đất Tây nguyên màu mỡ và hiền hòa có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Người Kinh, Bana, Mông, Cơ ho, Châu Mạ… mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng và có nghi lễ đón năm mới theo phong tục từ ngàn xưa truyền lại.

 

 

Lễ hội cồng chiêng của đồng bào DTTS Tây nguyên. Ảnh: Bùi Trưởng


Mùa xuân, trên khắp các rẻo cao của vùng Tây Bắc, không gian gần như bao trùm sắc trắng hoa Ban và lúc ẩn, lúc hiện tô đẹp thêm bởi sắc màu thổ cẩm người Mông. Với người Mông xa quê, đó chỉ là ký ức. Nhưng cứ mỗi độ xuân về, bà con lại sum vầy đón Tết theo phong tục cố hương.

Đã 30 năm qua kể từ lúc người Mông vào định cư tại xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai), Tết vẫn thường đến rất sớm. Từ 26 tháng chạp, dân làng đã bắt đầu dừng tay làm nương rẫy để chuẩn bị đón năm mới. Các cô gái gấp gáp chuẩn bị trang phục đón xuân. Chiếc áo trắng xẻ ngực do tự tay người phụ nữ thiết kế theo nét đẹp truyền thống; những mảnh vải xanh, đỏ được cắt tỉa khéo léo ghép vào cổ áo, viền tay thành hoa văn. Các đường thêu trên trang phục là những hình tròn, hình vuông, hình thoi… với những màu sắc chủ đạo là trắng, đen, xanh, đỏ được những đôi tay khéo léo thêu lên từng khuôn vải. Hiện nay, trang phục đó được pha trộn với những đường thêu sọc đỏ đen của người Bahnar, Jrai ghép thành những đường viền xung quanh ống tay áo, chân váy tạo cho bộ trang phục của người Mông thêm lộng lẫy…

Chiều 28, 29 tháng chạp, cộng đồng người Mông ở Ya Hội lại tập trung ăn Lễ cúng tất niên (người Mông gọi là cúng trời đất). Những lúc như vậy, món Thắng cố (nấu bằng đậu, gạo nếp, thịt bò với đường) phải do những người già trong làng chế biến theo đúng phong cách của vùng Tây Bắc. Nhưng thay bằng thịt ngựa thì được nấu bằng thịt bò nên đã có tên gọi là Thắng cố Tây nguyên. Sau lễ cúng, không kể già trẻ gái trai, tất cả đều múa khèn, hát bên bếp lửa và nồi Thắng cố, rồi ngân nga uống rượu cho đến khi say mới về.

Đến chiều 30 Tết, bà con thu gom những công cụ sản xuất đem đi lau chùi sạch sẽ, sau đó bày lên bàn, cùng một mâm cúng thịnh soạn với gà trống thiến, bánh ngô, rượu nếp… để làm Lễ cúng xin thần cho các dụng cụ được nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả.

Sáng mùng một Tết, người Mông ở xã Ya Hội vẫn giữ phong tục cúng Thần nước. Ngay từ khi gà cất tiếng gáy đầu tiên, người chủ gia đình đem xôi, thịt cùng ba cây nhang đến các giếng nước hoặc bờ suối (mà gia đình thường hay lấy nước) để cúng, xin thần nước cho nước sạch, không bệnh tật và mang nước về dùng… Nói đến Tết người Mông ở Gia Lai, không thể không nhắc đến Lễ hội cầu phúc. Lễ hội cầu phúc thường được tổ chức từ ngày mùng 2 hoặc mùng 3 âm lịch. Đây là dịp để người Mông tạ ơn tổ tiên, trời đất, cầu cho gia đình, dân làng được phúc lành trong năm mới.

Trong Lễ hội còn có các trò chơi ném còn, múa ô, múa khèn… để trai gái có dịp tỏ tình, hẹn ước, trao cho nhau những kỷ vật; lũ trẻ có dịp khoe những bộ váy áo mới… Những năm trở lại đây, các chàng trai, cô gái người Bahnar, Jrai ở địa phương đến góp vui, với những điệu múa xoan làm cho Lễ hội thêm phong phú và sinh động.

Ai đã một lần đặt chân đến cộng đồng người Mông ở đây trong dịp Tết sẽ nhớ mãi những chén rượu xuân ngây ngất, bát Thắng cố Tây nguyên nóng hổi cùng với những câu hát, điệu khèn trong ngày xuân ấm áp giữa núi rừng Tây nguyên - hương vị rất riêng đấy như một thứ men làm ngây ngất lòng người.

NGỌC ANH