Thứ hai, 18 Tháng 6 2012 15:17

Sự kiện Lễ hội Đà lạt

Sự kiện Lễ hội Đà lạt
1. FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT
Festival Hoa Đà Lạt là một lễ hội văn hóa mang tính đặc trưng của thành phố cao nguyên, một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước; cơ hội quảng bá hình ảnh thành phố Đà Lạt; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của thành phố hoa nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến và góp phần xây dựng Đà Lạt thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn; trung tâm sản xuất, giao dịch và xuất khẩu hoa của Việt Nam trong những năm sắp tới.
Ngày 22/12/2009, thành phố Đà Lạt được Nhà nước công nhận là thành phố Festival Hoa.
2. LỄ HỘI VĂN HÓA TRÀ :
Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu về sản xuất và kinh doanh trà trên toàn quốc với diện tích trên 26.000 ha, trong đó có nhiều giống chè quý như Olong, Kim Tuyên, Tứ Quý,... và chủ yếu là chè xanh. Chè Lâm Đồng chiếm 1/3 sản lượng chè Việt Nam. Nhằm tôn vinh ngành chè và những người làm chè, Lâm Đồng tổ chức Lễ hội văn hóa Trà hai năm một lần xen kẽ với Festival Hoa Đà Lạt. Đây là dịp để giới thiệu các thương hiệu, sản phẩm trà ở Lâm Đồng, khẳng định thế mạnh và tiềm năng của vùng trà Lâm Đồng, tạo điều kiện giao lưu với các danh trà trong cả nước và cũng là sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
3. LỄ HỘI VĂN HÓA DÂN TỘC
Đà Lạt – Lâm Đồng là vùng đất cư ngụ của nhiều tộc người như: người Việt, người Hoa,… nhưng tiêu biểu nhất là các tộc người bản địa như: Lạch, Chil, S’re, Churu. Những tộc người này đã tạo nên những nét văn hóa truyền thống đặc trưng làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của Việt Nam, tiêu biểu là các văn hóa lễ hội như: Lễ Sarơpu (Lễ đâm trâu), lễ hội cúng mừng lúa mới, lễ hội văn hóa cồng chiêng, lễ hội tạ ơn thần thánh,… Bên cạnh đó họ còn có các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, dệt chiếu, làm rượu cần. Hàng năm vào mùa lễ hội, các tộc người đều tổ chức những lễ hội truyền thống của mình và đã thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến xem và tham gia.
Lễ hội ăn trâu (hay còn gọi là Lễ hội đâm trâu):
Hàng năm, cứ sau một mùa rẫy (hết một năm), bà con dân tộc ở các buôn làng lại tổ chức lễ hội lớn nhất trong năm để tế thần Ndu và các vị thần khác nhằm tạ ơn các thần đã cho buôn làng, bộ tộc qua hết một năm an lành, làm ăn được mùa. Đó chính là lễ “Sarơpu” (lễ ăn trâu) mà mọi người thường gọi là lễ đâm trâu. Trong lễ hội này, điều quan trọng nhất không thể thiếu được là cây Nêu. Cây Nêu thể hiện khát vọng tìm kiếm cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Người Mạ tin thần Trời (Yàng) là đấng tối cao trên các vị thần: thần sông, thần núi, thần hỏa,… Cúng thần là nghi lễ văn hoá của người Mạ trong đó cúng thần Suối mang nhiều sắc thái tín ngưỡng dân gian.
Đây là nghi lễ lớn nhất của người Churu thường được tổ chức vào tháng 2 âm lịch, nghi lễ này gắn với các nghi lễ nông nghiệp như cúng thần Đập Nước, thần Mương Nước, thần Lúa, ăn mừng lúa mới…
Lễ cúng cơm mới là một trong những lễ hội truyền thống của người Mạ, K’ho tại B’lao thành phố Bảo Lộc. Ngày lễ này gần như trùng với tết Nguyên Đán của người Việt. Họ làm lễ cầu mưa thuận gió hòa, ngăn thú rừng không cho chúng phá nương, phá rẫy. Cúng lúa mới cơm mới cũng là để con cháu biết quý hạt thóc, hạt gạo.
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu này.
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê,Ba Na, Mạ, Lạch, v.v...
Lễ hội Cồng chiêng được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hoá cồng chiêng, là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa là một sản phẩm du lịch thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài nước.
Trang chủ